VN-Index đã lấy lại mốc 1.000 điểm sau hơn 1 năm và đang hướng đến những đỉnh lịch sử cao hơn. Cùng với nền kinh tế Việt Nam, thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục phát triển cả về lượng và chất.
Tổng cục Thống kê cũng vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý 4 và năm 2020, ghi nhận tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán đạt 383.600 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước (tính đến ngày 27/12/2020). Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu năm 2020 đạt 7.056 tỷ đồng/phiên, tăng 51,5% so với bình quân năm 2019.
Từ đầu năm, trong khi dịch Covid-19 khiến dòng vốn ngoại rút về trú ẩn, dòng vốn nội lên ngôi với số lượng mở mới tăng đột biến, thanh khoản liên tục phá đỉnh, được gọi chung là sự tham gia của nhà đầu tư F0. Thực tế, lãi suất giảm khiến dòng tiền nhàn rỗi tìm kiếm cơ hội sinh lời mới, trong đó chứng khoán là điểm đến thu hút.
Đặt trong bối cảnh thị trường vốn, 2020 là năm bản lề đưa TTCK trở nên thông dụng, gần gũi hơn với người dân. Tương lai 2-3 năm tiếp theo, giới phân tích nhận định chưa có cơ sở để mặt bằng lãi suất hồi phục, theo đó dòng tiền nội trên thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục dồi dào, đi cùng với những đổi mới về chính sách, hệ thống giao dịch từ các bộ phận liên quan.
Mặt khác, chỉ số VN-Index dù có nhiều biến động, nhìn chung cũng liên tục tăng trưởng vượt trội hơn so với chỉ số MSCI FM trong 5 năm qua. Trong đợt đánh giá mới nhất, MSCI đã công bố tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI Frontier Market 100 sẽ tăng từ 12,5% lên 28,76% vào tháng 11/2021 sau 5 giai đoạn.
Hiện tại, Việt Nam có tỷ trọng 14,2% trong rổ chỉ số này. Một mặt, đây có thể là yếu tố tích cực thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam trong năm 2020, nhưng cũng cần lưu ý MSCI đang tham vấn về việc phân loại lại thị trường Argentina. Thị trường theo đó cần đợi đến tháng 6/2021 để xem liệu nước này có quay trở lại thị trường cận biên hay không. Nếu có, Argentina có thể chiếm một phần lớn thị tỷ trọng của thị trường Việt Nam trong rổ chỉ số.
Dự báo năm 2021, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ duy trì một cách tích cực, GDP tăng trưởng 6,5% so với năm trước (cao hơn kế hoạch của Chính phủ là 6%). Theo đó, mức tăng trưởng sẽ bắt đầu tăng tốc từ quý 2/2021 và giữ đà tăng đó đến năm 2022 (tăng đến khoảng hơn 7%), ghi nhận tại báo cáo của SSI Research.
Về phía doanh nghiệp, ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết (trong phạm vi nghiên cứu) là 23% sau khi giảm 17% trong năm 2020. Đặc biệt, ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là 3 lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2021.
Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là động lực chính cho thị trường chứng khoán. Số lượng tài khoản mở mới đạt đỉnh vào tháng 11/2020, mức tháng cao nhất trong vài năm gần đây. Nếu dòng vốn nước ngoài quay trở lại vào năm 2021, đặc biệt với tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI FM đây sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán trong năm sau.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)